FAO dự báo thiếu hụt thực phẩm giàu protein trên toàn thế giới
Những thiếu hụt đã được dự đoán trước của thực phẩm giàu protein sẽ kéo theo mức tiêu thụ giảm trên toàn cầu, đặc biệt tại các khu vục nghèo đói, có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khoẻ trẻ em. Do Covid-19, nguồn cung thực phẩm đã bị ảnh hưởng và giảm đi đáng kể cả về sản xuất và tiêu thụ như thịt, cá, các sản phẩm từ sữa và các nguồn protein thực vật như đậu tương… bên cạnh những con số về những thương vong trực tiếp từ đại dịch.
Báo cáo nhấn mạnh, sự mở rộng của ngành sản xuất thịt thế giới đã bị kéo chậm lại do những gián đoạn thị trường gây ra bởi đại dịch toàn cầu. Những khó khăn về kinh tế liên quan đến dịch Covid-19 như: Mức tiêu dùng giảm mạnh từ ngành dịch vụ thực phẩm do các lệnh cách ly xã hội; tắc nghẽn trong chuỗi logistic; khối lượng tồn kho các sản phẩm chưa bán được khá lớn; hạn chế trong việc vận chuyển và tình trạng tồn đọng hàng tại cảng là những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của giao thương thịt toàn cầu. “Tổng sản lượng thịt trên toàn thế giới năm 2020 sẽ giảm 1,7% so với năm 2019, trong khi giá thịt quốc tế đã giảm 8,6% kể từ tháng 1/2020, dẫn đến thiệt hại kinh tế cho các nhà sản xuất….”, báo cáo nêu rõ.
Nguồn protein thực vật như đậu tương cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong mùa canh tác 2019/2020, sản lượng dầu thực vật dự kiến sẽ giảm so với mùa sản xuất trước; mức giảm mạnh về sản lượng của đậu tương và hạt cải dầu lớn hơn tăng trưởng về sản lượng của các cây trồng khác.
Protein là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống cơ bản, nhưng ước tính có một tỷ người trên toàn thế giới hiện đang thiếu hụt protein. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng nhất tại Trung Phi và Nam Á, nơi có khoảng 30% trẻ em đang tiêu thụ quá ít protein.
Tình trạng thiếu hụt protein gây ra nhiều bệnh tật, bao gồm bệnh suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor), căn bệnh gây chậm phát triển và chướng bụng ở trẻ; bệnh phù nề, gây ra chứng sưng và phù trên da; bệnh gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến suy gan; cùng với các vấn đề khác liên quan đến da, tóc, móng và cơ….
John Komen – chuyên gia chính sách sinh học hiện đang làm việc với một số quốc gia châu Phi về các chiến lược nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt protein – cho rằng, có những cơ hội sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy sản xuất các nguồn protein thực vật, như đậu nành và đậu đũa, để người dân không còn phải chịu đựng do thiếu hụt protein.
Hiện nay, năng suất từ những cây trồng này đang ở mức thấp tại châu Phi, nên những nỗ lực có chủ đích nhằm thúc đẩy năng suất cây trồng có thể giúp các thực phẩm này phổ biến rộng rãi hơn tới người dân.“Tại các quốc gia Tây Phi, sản lượng của các cây trồng protein thực vật nên được tăng cường”, ông Komen chia sẻ với tạp chí Alliance for Science.
Theo ông Komen, nhu cầu về đậu tương đang tăng lên tại khắp châu Phi khi ngành chăn nuôi gia súc/gia cầm phát triển mạnh. Tuy nhiên tại nhiều quốc gia, sản lượng đậu tương chỉ đạt dưới 50% sản lượng trung bình toàn thế giới. Đậu đũa, một loại thực phẩm giàu protein chủ yếu khác được tiêu thụ bởi hơn 250 triệu người tại châu Phi, cũng phải được cân nhắc nghiêm túc.
Tuy nhiên, côn trùng gây hại là yếu tố chính ảnh hưởng tới năng suất đậu đũa tại châu Phi – sâu đục quả đậu đã gây ra hơn 90% thiệt hại về sản lượng. Ông Komen cho hay, đậu đũa biến đổi gen kháng sâu đục quả gần đây đã được cấp phép thương mại tại Nigeria – và hiện đang cho thấy mức độ kháng sâu đục quả rất cao. Đây là một phương án khả thi và nên được chính phủ các quốc gia Tây Phi cân nhắc một cách nghiêm túc và khẩn cấp.
Cũng theo báo cáo của FAO, sản xuất lúa mỳ toàn cầu năm 2020 được dự báo sẽ giảm nhẹ dưới mức thu hoạch tốt vào năm ngoái. Theo sau sự suy giảm nhu cầu đáng kể do Covid-19 vào đầu năm 2020, tổng lượng ngũ cốc thô, bao gồm ngô, cao lương và đại mạch, được dự báo sẽ lấy lại đà trong mùa canh tác 2020/2021, nhưng có thể vẫn duy trì dưới mức sản lượng chuẩn toàn cầu trong mùa thứ hai liên tiếp. Đầu ra của dầu/chất béo trên toàn thế giới cũng sẽ giảm và dự báo mức sản xuất và tiêu thụ đường toàn cầu sẽ giảm lần đầu tiên trong vòng ba năm qua.
Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribê, nơi sản xuất khoảng 25% sản phẩm nông nghiệp và thủy sản xuất khẩu toàn cầu, giá thực phẩm đã tăng vọt do đại dịch. Báo cáo của FAO cũng đã đưa ra một số điểm sáng. Sản xuất ngũ cốc dự báo sẽ tăng 2,6% trong năm nay và sản xuất gạo sẽ tăng trưởng 1,6%.
Ông Boubaker Ben-Belhassen – Giám đốc bộ phận Thương mại và Thị trường của FAO – đánh giá, các tác động của đại dịch Covid-19 đã được cảm nhận thấy tại nhiều mức độ khác nhau trên khắp tất cả các lĩnh vực thực phẩm. Trong khi dịch Covid-19 đã gây ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với an ninh lương thực. Tuy nhiên, phân tích từ góc độ toàn cầu, thị trường hàng hoá nông nghiệp đang chứng tỏ khả năng phục hồi với đại dịch cao hơn rất nhiều lĩnh vực khác.
Nguồn: Báo Công Thương